PHƯƠNG PHÁP CHỈ SỐ

TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN

(Bài tổng quan hội nghị Nhi khoa 2017)

TÓM TẮT:

Chỉ số chất lượng là một phương pháp cơ bản để đo lường CL, dù bệnh viện áp dụng mô hình quản lý hoặc bộ tiêu chuẩn CL nào. Nếu đánh giá CL giúp chúng ta có cái nhìn hệ thống về thực trạng CL bệnh viện dưới góc độ định tính, thì CSCL giúp chúng ta nhìn CL dưới góc độ định lượng. Cả 2 phương pháp trên thường được sử dụng đồng thời và bổ sung cho nhau, từ đó hình thành các phương pháp đo lường CL trong thực hành ở mức độ cao hơn như chứng nhận chất lượng và đối sánh chuẩn. Nhằm đảm bảo tính giá trị và khả năng ứng dụng, CSCL cần phải có liên quan chặc chẽ với yêu cầu CL, tính khoa học và phù hợp nhu cầu của người dùng. CSCL là thước đo khách quan về CL DVYT cho tất cả các bên quan tâm. Vì thế, phát triển CSCL là hoạt động mang tính nền tảng, là điểm khởi đầu, một nấc thang chất lượng quan trọng cho những nơi muốn triển khai QLCL đúng nghĩa.

Từ khoá & viết tắt: CL: Chất lượng, Chỉ số chất lượng (CSCL), CSDL: cơ sở dữ liệu, CTCL: cải tiến chất lượng, dịch vụ y tế (DVYT), QLCL: Quản lý chất lượng.

QUALITY INDICATOR METHODOLOGY

IN HOSPITAL QUALITY MANAGEMENT

Do Van Niem, MD, MSc.

Head of Quality Management Department – Children’s Hospital 1, HCMC

ABSTRACT:

Quality indicator is a basic method to measure service’s quality, although the hospital applies any quality models or standards.

If quality audit shows you a systemic identification of quality status in qualitative view, then quality indicator presents quality status in quantitative one. Both of them are used at once and in additional to form other quality measuring methods in practice at higher level as benchmarking and quality accreditation. For ensuring the value and implementing possibility of quality indicators, they need to have a closed relation with quality requirements, professional science and meet customers’ need. Quality indicators are objective measuring tools of healthcare service quality for all interested parties. So that, developing a quality indicator set is a fundamental activity, the beginning point, an essential step in quality ladders for facilities where implementing quality management reasonably.

Key words: Quality indicator, healthcare service.


I. GIỚI THIỆU

Có 2 phương pháp đo lường CL cơ bản nhất là phương pháp chỉ số và phương pháp đánh giá. Chúng là phương pháp cơ bản vì dù bạn áp dụng mô hình quản lý hay bộ tiêu chuẩn CL nào đi nữa thì vẫn phải áp dụng cả 2 phương pháp trên. Câu nói của Peter Drucker “Chúng ta không thể cải tiến được những thứ mà chúng ta không thể đo lường được” đã làm nổi bật vai trò chìa khoá của CSCL.

Trong 2 phương pháp đó, đánh giá CL giúp bạn có cái nhìn hệ thống về thực trạng CL bệnh viện dưới góc độ định tính, còn CSCL giúp chúng ta nhìn CL dưới góc độ định lượng. Do đó, cả 2 phương pháp trên thường được sử dụng đồng thời và bổ sung cho nhau, từ đó hình thành các phương pháp đo lường CL trong thực hành ở mức độ cao hơn như chứng nhận chất lượng và đối sánh chuẩn. Nếu phát triển chỉ số đến mức độ cao, chúng ta có thể hình thành thẻ điểm cân bằng. Đây chính là điểm kết nối giữa hai phương pháp chỉ số và đánh giá CL. Khi hoàn thành xây dựng thẻ điểm cân bằng, bạn có thể sử dụng nó như một bộ công cụ đo lường CL của cả hệ thống ở cấp chiến lược, thay vì chỉ có cái nhìn đơn lẻ cho từng khía cạnh CL của dịch vụ nếu áp dụng các chỉ số ở trạng thái tách biệt.

CSCL chỉ thật sự có giá trị nếu được xây dựng dựa trên nền tảng khoa học của từng nghề nghiệp, thực tiễn quản lý và yêu cầu của các bên quan tâm. Nói cách khác, dựa vào CSCL ở mỗi thời điểm và khuynh hướng của nó theo thời gian, chúng ta cần phải trả lời được câu hỏi nên làm gì để thoả mãn tốt hơn yêu cầu của các bên quan tâm, ít nhất là ở khía cạnh mà chỉ số thực hiện đo lường, trong bối cảnh rất cụ thể. Đó chính là cơ sở của phương pháp ra quyết định dựa trên bằng chứng. Bạn sẽ khó có thể xây dựng CSCL bệnh viện tốt nếu không am hiểu về y học, khoa học quản trị & kiến thức về khách hàng, thị trường, pháp luật có liên quan đến DVYT.

Do vậy, để xây dựng một chỉ số tốt, cần phải xác định rõ yêu cầu của các bên quan tâm, nắm vững yêu cầu khoa học nghề nghiệp của dịch vụ đang cung cấp, cùng với nhu cầu thực tiễn của khách hàng và các quy định pháp luật có liên quan. Nghĩa là, phương pháp chỉ số cần dựa trên 3 nền tảng quan trọng của hoạt động QLCL, đó là: pháp lý, khoa học và thực tiễn. CSCL chính là thước đo khách quan về CL dịch vụ cho tất cả các bên quan tâm.

Triển khai CSCL đối với các bệnh viện ở nước ta hiện nay không còn là một tuỳ chọn, mà đã là một yêu cầu quan trọng quy định tại Thông tư 19/2013/TT-BYT ngày 12-7-2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện QLCL bệnh viện và yêu cầu tại tiêu chí D3.2 của Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt nam 2.0 ban hành theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18-11-2016.

Với bài viết này, tác giả mong muốn tổng hợp những yêu cầu cơ bản để có một CSCL tốt, tiến trình phát triển chỉ số và chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình phát triển CSCL tại bệnh viện. Nó có thể có ích cho những ai bước đầu nghiên cứu xây dựng CSCL.

II. KHÁI NIỆM, NGUYÊN TẮC & YÊU CẦU CỦA CHỈ SỐ

“Chỉ số chất lượng trong chăm sóc sức khỏe là một công cụ để đo lường chất lượng chăm sóc và dịch vụ, nó phải có liên hệ với những kết quả sức khỏe tốt hơn, phù hợp với những hiểu biết về khoa học hiện tại cũng như đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của khách hàng.”[5]

Khái niệm này nêu lên 3 nguyên tắc chung trong quá trình phát triển chỉ số. Những nguyên tắc này chính là các nhóm khía cạnh CL mà CSCL thực hiện đo lường. Đó là:

[1] Có liên quan chặt chẽ với yêu cầu chất lượng: Yêu cầu chất lượng DVYT có thể áp dụng tiêu chí STEEP(E) của Viện Y khoa Hoa Kỳ để xem xét, đó là: An toàn (Safe), Người bệnh là trung tâm (Patient-centerd), Hiệu quả (Effective) - Thực hành đúng y học chứng cớ, Hiệu suất (Efficient), Kịp thời (Timely) và Công bằng (Equitable). [4]

[2] Có tính khoa học và cập nhật: Đặc tính này đòi hỏi chỉ số phải dựa vào bằng chứng tốt nhất hiện có, hay dựa trên các hướng dẫn thực hành chăm sóc chuẩn hoặc các bộ tiêu chuẩn được thừa nhận, có thể chuẩn quốc gia hay chuẩn quốc tế.

[3] Phù hợp với nhu cầu của người sử dụng dịch vụ: Đặc tính này cần quan tâm đặc biệt khi xem xét các nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ khác nhau. Nội dung thứ 3 của bộ yêu cầu trên có tiên quan chặc chẽ với tiêu chí lấy người bệnh làm trung tâm. Nội dung này có thể cụ thể thành 8 nội dung chi tiết sau đây: [a] Tính dễ tiếp cận của dịch vụ, [b] Sự tôn trọng khách hàng, [c] Tính đáng tin cậy của đội ngũ cung cấp dịch vụ, [d] Đảm bảo quyền được thông tin - tư vấn của người bệnh theo Luật Khám chữa bệnh, [e] Đảm bảo tiện nghi và các dịch vụ tiện ích, [f] Thực hiện chăm sóc khách hàng & chăm sóc về tâm lý, [g] Cho phép sự tham gia của gia đình & bạn bè của người bệnh trong quá trình chăm sóc, và [h] Đảm bảo tính liên tục trong chăm sóc.

Có 4 yêu cầu chung quyết định giá trị sử dụng của chỉ số trong QLCL DVYT, đó là: [1] Tính liên quan – Chỉ số phải liên quan trực tiếp đến yêu cầu CL; [2] Khả năng đo lường – Cần phải cân bằng giữa mục tiêu hướng đến và công sức bỏ ra; [3] Tính giá trị - chỉ số phải có cơ sở khoa học; [4] Khả năng cải tiến – Có thể sử dụng chỉ số để dự báo sớm các vấn đề CL và thực hiện cải tiến nhằm nâng cao mức độ thoả mãn các yêu cầu CL.

Sử dụng tiếp cận theo quá trình, chúng ta có thể xác định các nhóm CSCL sau đây: [1] Chỉ số cấu trúc hay đầu vào (Structure/Input), [2] Chỉ số quá trình (Process/Output), và [3] Chỉ số kết quả (Outcome/Result).[1],[5] Trong cấp phép, đánh giá chất lượng, thường chúng ta sử dụng tất cả các nhóm chỉ số trên. Nhưng trong hoạt động CTCL thường tập trung đo lường chỉ số quá trình và kết quả. Để phòng ngừa và đánh giá tác động tiêu cực có thể có của CTCL lên các khu vực có liên quan ngoài phạm vi cải tiến hay của cả hệ thống, người ta sử dụng chỉ số ảnh hưởng (Impact) hay chỉ số cân bằng (Balanced), thực chất là chúng chính là chỉ số kết quả hay quá trình của các khu vực có liên quan nhưng nằm ngoài phạm vi can thiệp của cải tiến.[5],[6],[7]

Trong bối cảnh thực hiện một hoạt động CTCL, chỉ số đánh giá hiệu quả cải tiến cần hướng đến các mục tiêu dài hạn. Nghĩa là, nhóm cải tiến nên sử dụng những CSCL đã được chuẩn hóa tại cơ sở của mình để đánh giá. Trường hợp cần phát triển thêm các chỉ số mới thì cần lưu ý khả năng duy trì của chỉ số sau khi kết thúc hoạt động cải tiến, nhất là chỉ số đánh giá chính của cải tiến.

Mỗi CSCL cần phải được mô tả hướng dẫn thực hiện một cách rõ ràng, nhằm đảm bảo tính thống nhất của hoạt động đo lường chỉ số qua thời gian, nhằm đảm bảo tính chính xác và giá trị của chỉ số. Tùy theo loại chỉ số, đối tượng thực hiện (đo lường nội bộ hay thuê tổ chức đo lường độc lập) để điều chỉnh mô tả CSCL cho phù hợp.

Những phần cơ bản của mô tả hướng dẫn thực hiện chỉ số không thể thiếu là: [1] Tên/mã số của chỉ số; [2] Định nghĩa các biến số, chu kỳ đo lường, công thức tính chỉ số; [3] Phương pháp, công cụ đo lường & phân tích số liệu; [4] Hình thức trình bày, báo cáo và xem xét khuynh hướng chỉ số; [5] Các giới hạn cảnh báo hay ngưỡng của chỉ số; [6] Trách nhiệm thực hiện và hướng dẫn bảo mật thông tin (nếu có). Những lĩnh vực, phạm vi, khía cạnh CL đã có văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước về y tế và hướng dẫn khoa học hay thông lệ quốc tế thì cần áp dụng, nhằm đảm bảo khả năng so sánh với các cơ sở khác khi thực hiện phương pháp đối sánh chuẩn.

III. TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CHỈ SỐ CHẤT LƯỢNG

Tiến trình phát triển CSCL cần phù hợp bối cảnh của mỗi bệnh viện, kinh nghiệm của nhóm phát triển chỉ số, mục đích của chỉ số (đo lường chung hay trong 1 đề án CTCL cụ thể). Nhưng dù lý do, xuất phát điểm là gì đi nữa thì tiến trình này cũng trải qua các giai đoạn sau đây:

[1] Xác định khía cạnh, yêu cầu và mục tiêu chất lượng: Bước này cần nghiên cứu các yêu cầu về mặt khoa học, pháp lý và thực tiễn để làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa các hoạt động của bệnh viện với mức độ thoả mãn các yêu cầu CL. Từ đó xác định mục tiêu CL làm cơ sở để xây dựng chỉ số, vì nó chính là thang đo mức độ hoàn thành mục tiêu CL. Có như vậy thì việc đo lường chỉ số mới có thể đánh giá được CL bệnh viện và quyết định các quyết định can thiệp thích hợp.

[2] Xây dựng công thức tính chỉ số dựa trên mục tiêu chất lượng: Mỗi mục tiêu CL có thể có một hoặc nhiều cách đo lường khác nhau, nên cần phải xác định công thức và đơn vị tính cụ thể thì mới có thể đo lường mục tiêu. Bảng 1 giới thiệu một số chỉ số có thể sử dụng và đơn vị đo tương ứng cho từng mục tiêu cho trước.

Bảng 1. Minh hoạ một số chỉ số theo từng mục tiêu

[3] Xác định các yêu cầu về số liệu tính chỉ số: Khi đã có công thức tính chỉ số, hoàn toàn có thể xác định được các yêu cầu số liệu để tính chỉ số. Cần định nghĩa một cách rõ ràng các biến số trong CSCL. Nếu chỉ số áp dụng các khuyến cáo chuyên ngành hay văn bản quy định của cơ quan quản lý nhà nước thì cần tuân thủ định nghĩa các biến số có liên quan. Sử dụng định nghĩa thực tiễn và làm rõ các tình huống đa lỗi là cần thiết để đảm bảo CL số liệu ở các khâu tiếp theo.

[4] Phân tích thực trạng CSDL hiện có tại bệnh viện: Dữ liệu quản lý hành chính, lâm sàng, dịch vụ, khách hàng, tài chính, nguồn lực của bệnh viện cần phải được phân tích ở các khía cạnh: tính sẵn có, dữ liệu thô hay đã mã hoá, CL số liệu và khả năng truy cập; để xác định khoảng trống về dữ liệu cần thiết đối với chỉ số. Sử dụng CSDL hiện có là con đường đơn giản, ít tốn kém nhất để xây dựng chỉ số. Điều đó còn giúp đảm bảo khả năng duy trì chỉ số trong tương lai, hình thành CSDL tổng hợp của cả bộ chỉ số, nhằm phát triển thẻ điểm cân bằng sau này.

[5] Chọn lựa hình thức phù hợp nhất để xây dựng CSDL đo lường chỉ số: Nếu dữ liệu nguyên phát để tính chỉ số đã sẵn có, cần thiết lập cơ chế kiểm tra nhằm đảm bảo độ tin cậy của nguồn dữ liệu, đồng thời xây dựng CSDL tổng hợp tính chỉ số dựa trên các dữ liệu nguyên phát. Nếu chưa sẵn có nguồn số liệu, cần chọn lựa phương pháp đo lường trên cơ sở cân nhắc các tiêu chí sau: độ tin cậy, chi phí thu thập dữ liệu và khả năng duy trì đo lường. Việc áp dụng công nghệ thông tin và ứng dụng thông minh, thân thiện với người dùng có thể giúp giải quyết vấn đề đơn giản, không ảnh hưởng đến nhân viên trực tiếp cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

[6] Viết mô tả hướng dẫn thực hiện chỉ số: Dựa trên kết quả 5 bước trên để viết mô tả hướng dẫn thực hiện chỉ số theo cấu trúc ở phần cuối của mục II nhằm chuẩn hoá hoạt động đo lường chỉ số, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Mẫu mô tả chỉ số cần bám theo 6 nội dung đã hướng dẫn ở phần II, điều chỉnh theo nhu cầu quản lý của bệnh viện. Bạn có thể tham khảo mẫu mô tả chỉ số đơn giản tại Quyết định số 7051/QĐ-BYT ngày 29-11-2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hướng dẫn xây dựng thí điểm một số chỉ số cơ bản đo lường CL bệnh viện.[2] Điểm cần lưu ý là nên tập trung vào chỉ số quá trình và kết quả, chứ không phải là chỉ số đầu vào, nếu mục tiêu là CTCL. Bởi vì nguyên tắc cơ bản nhất, lý do duy nhất để tồn tại khoa học kinh tế học nói chung và khoa học quản trị nói riêng chính là sự thiếu hụt nguồn lực. Nói cách khác, nguyên tắc cơ bản nhất của quản trị là “biến nguồn lực hữu hạn thành mục tiêu vô hạn”.

[7] Xây dựng công cụ thu thập số liệu & CSDL tính chỉ số: Dùng kết quả bước 5 và 6 để xây dựng công cụ thu thập số liệu tính chỉ số bằng phương pháp thủ công hay ứng dụng số hoá. Đồng thời hình thành CSDL của chỉ số theo bản mô tả ở trên. Không cần phải có nguồn lực thật dồi dào và ứng dụng hệ thống máy tính thì mới có thể thực hiện phương pháp CSCL. Bằng phương pháp thủ công, với công cụ đơn giản như bảng kiểm tra (check sheet), hoàn toàn có thể phát triển chỉ số, xây dựng CSDL và theo dõi khuynh hướng chỉ số trên giấy. Tuy nhiên, công nghệ thông tin và hạ tầng mạng máy tính, cùng với các thiết bị sử dụng màn hình chạm với kết nối không dây cho phép thu thập số liệu thuận tiện hơn rất nhiều. Những thiết bị trên nền tảng Android cho phép sử dụng các ứng dụng thu thập số liệu ở trạng thái ngắt kết nối Internet như sử dụng bảng kiểm giấy, nó sẽ chuyển dữ liệu về tài khoản đăng ký ngay khi thiết bị được kết nối mạng. Điều đó đảm bảo tính khả thi trong ứng dụng công nghệ thông tin để đo lường chỉ số, mà không cần yêu cầu quá cao về hạ tầng thông tin, không tốn chi phí dịch vụ kết nối di động (3G, 4G). Có thể đăng ký tài khoản ứng dụng ONA/Enketo để sử dụng miễn phí ứng dụng với một số hạn chế hoặc đăng ký sử dụng dịch vụ có thu phí để được hỗ trợ kỹ thuật từ nhà cung cấp dịch vụ. Nếu bệnh viện hệ thống kết nối wifi mạnh và rộng khắp, có thể sử dụng ứng dụng GoogleForm để thiết kế ứng dụng thu thập số liệu. Ứng dụng này khá dễ sử dụng, có sẵn ứng dụng tiếng Việt và cũng là ứng dụng miễn phí. Điều cần lưu ý khi sử dụng các ứng dụng miễn phí này là cần thực hiện mã hoá dữ liệu nhằm đảm bảo tính bảo mật thông tin.

[8] Triển khai thí điểm, phân tích dữ liệu, ra quyết định quản trị và hoàn thiện chỉ số: Chỉ số chỉ có ý nghĩa thật sự nếu nó giúp bạn ra quyết định cải tiến dựa trên bằng chứng. Bạn cần triển khai kết quả bước 7, sử dụng kết quả phân tích để ra quyết định quản trị. Cho đến bước 7, bạn vẫn còn ở khâu hoạch định thực hiện chỉ số. Từ hoạch định đến thực tiễn là một khoảng cách khá xa. Việc thí điểm cho phép nhận ra các khiếm khuyết ở bước hoạch định và điều chỉnh, nhằm làm cho khả năng dự báo, đánh giá của chỉ số tốt hơn và sử dụng tiện lợi hơn. Cần nhớ, không có hoạch định nào là hoàn hảo cả. Xét về bản chất, CSCL là dữ liệu chuỗi thời gian, nên cần chọn lựa một phương pháp phân tích số liệu phù hợp. Công cụ đơn giản có thể sử dụng là các loại biểu đồ phân tích khuynh hướng như biểu đồ con chạy (run-chart) nếu số điểm khảo sát còn ít từ 12-15, biểu đồ kiểm soát (control chart) nếu số điểm khảo sát từ 20 trở lên. Bạn cũng có thể phối hợp phân tích Pareto các số liệu chi tiết tại điểm dữ liệu chưa đạt mục tiêu, nhằm xác định nguyên nhân và ưu tiên can thiệp. Trong các nghiên cứu can thiệp liên quan đến chỉ số, phương pháp phân tích phức tạp hơn như phân tích hồi quy từng phần có thể sử dụng. Đối với các chỉ số mà công cụ đo lường là bộ câu hỏi theo thang Likert, có thể kiểm tra độ tin cậy của thang đo qua chỉ số Cronbach alpha, thực hiện phân tích nhân tố khám phá (EFA: Exploratory Factor Analysis) để chiết xuất nhân tố, làm cơ sở để phân tích hồi quy nhằm thiết lập các mô hình dự báo, nhất là các chỉ số liên quan đến sự hài lòng của khách hàng. Mô hình Kano cũng có thể áp dụng để xác định các nhóm nhu cầu nhằm định hướng các can thiệp nhằm gia tăng sự hài lòng.

[9] Triển khai nhân rộng, áp dụng chỉ số ở phạm vi toàn viện hoặc lồng ghép vào thẻ điểm cân bằng (BSC: Balanced Score Card): Khi đã hoàn thiện chỉ số, cần triển khai trên quy mô toàn viện để đánh giá toàn diện hơn về khả năng dự báo & ra quyết định dựa trên chỉ số. Nó giúp chúng ta có thêm thước đo để thường xuyên đánh giá “tình trạng sức khoẻ” của bệnh viện, nhằm hướng đến thoả mãn yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và phát triển bền vững. Có thể sử dụng chỉ số đơn lẻ để đánh giá theo từng lĩnh vực hoặc lồng ghép vào thẻ điểm cân bằng, như là một hệ thống quản trị chiến lược. Triển khai thẻ điểm BSC đòi hỏi điều kiện nguồn lực, kỹ năng phân tích và quản trị chiến lược cũng như nguồn nhân lực đủ khả năng phát triển các ứng dụng phức tạp.[3]

[10] Xem xét định kỳ và điều chỉnh: Tương tự như các tài liệu hướng dẫn QLCL khác, cần định kỳ xem xét mô tả chỉ số và thực hiện các điều chỉnh khi cần thiết. Tái cấu trúc hệ thống tài liệu nói chung và chỉ số nói riêng là một yêu cầu nhằm hoàn thiện khả năng QLCL. Những thay đổi về chính sách y tế, pháp lý, bằng chứng khoa học chuyên ngành được cập nhật và thay đổi về thị trường DVYT trong các lĩnh vực liên quan đến nội dung đo lường của chỉ số là cơ sở để xem xét điều chỉnh.

IV. MINH HOẠ TÌNH HUỐNG ỨNG DỤNG

Phần này trình bày tiến trình thực hiện một CSCL cụ thể theo hướng dẫn ở phần III, dữ liệu sử dụng trong tình huống này chỉ là mô phỏng.

[1] Chăm sóc người bệnh nặng tại khu hồi sức tích cực luôn có nhiều nguy cơ. Một trong số đó là nguy cơ loét tì đè do nhiều yếu tố tác động như không được xoay trở thường xuyên, người bệnh có bệnh lý gây giảm tưới máu mô, suy dinh dưỡng, … Trước đó, nhóm chăm sóc nhận thấy có một số trường hợp loét tì đè xảy ra ở cả những người bệnh ít nguy cơ, làm kéo dài thời gian và tăng chi phí điều trị, gây bức xúc cho thân nhân nên thực hiện CTCL với mục tiêu giảm tỷ lệ loét tì đè ở khu hồi sức.

[2] Trong các yếu tố liên quan đến loét tì đè, có 1 yếu tố chủ quan liên quan đến hành vi của nhân viên y tế là tuân thủ hướng dẫn xoay trở người bệnh, nên nhóm quyết định sử dụng chỉ số kết quả là tỷ lệ loét tì đè và chỉ số quá trình là tỷ lệ tuân thủ hướng dẫn xoay trở người bệnh. Do quá tải người bệnh, nên hướng dẫn chăm sóc hiện nay chỉ thực hiện xoay trở người bệnh mỗi 3 giờ cho đến 23 giờ và đợt tiếp theo là 5-6 giờ sáng hôm sau. Loét tì đè có một số yếu tố nguy cơ từ phía người bệnh và nguy cơ tăng theo thời gian nằm viện, một người bệnh nằm lâu có thể có nhiều hơn 1 đợt loét, nên nhóm quyết định đánh giá cả nguy cơ loét tì đè của người bệnh khi nhập khoa và hiệu chỉnh chỉ số loét tì đè bằng cách tính theo số đợt loét tì đè trên 1000 ngày nằm hồi sức. Điểm nguy cơ ban đầu được đánh giá dựa trên các tiêu chí: [a] Có sốc, [b] Suy hô hấp cần hỗ trợ từ CPAP hay máy thở không xâm nhập trở lên, [c] thiếu máu với Hct < 30% hoặc Hb < 10 g/dL, [d] Suy dinh dưỡng nặng theo phân loại của WHO, nếu suy dinh dưỡng phù sẽ tăng gấp đôi điểm số nguy cơ. Mỗi yếu tố nguy cơ tính 1 điểm (nếu có) và điểm nguy cơ chung bằng tổng điểm các yếu tố trên. Công thức tính chỉ số loét (TLL) là: TLL = 1000*[Tổng số đợt loét mới trong tháng]/[Tổng số ngày điều trị trong tháng] (đơn vị tính: số đợt loét tì đè/1000 ngày điều trị). Công thức tính tỷ lệ tuân thủ việc xoay trở người bệnh (TLTT) là: TLTT = 100*[Tổng số lượt tuân thủ hướng dẫn được giám sát trong tuần]/[Tổng số lượt giám sát trong tuần].

[3], [4] & [5] Các dữ liệu tính 2 chỉ số trên chưa có trước đây, nên nhóm xây dựng biểu mẫu để đo lường: [a] Biểu mẫu theo dõi người bệnh về loét tì đè để xác định số ca mới mắc trong tháng & có thể phân tích liên quan loét và chỉ số nguy cơ, [b] Biểu mẫu giám sát tuân thủ hướng dẫn xoay trở người bệnh, [c] Biểu mẫu tính ngày điều trị.

[6] Nhóm xây dựng mô tả chỉ số dựa trên hướng dẫn tại Quyết định 7051/QĐ-BYT. Chu kỳ sơ kết chỉ số loét tì đè là hàng tháng, tỷ lệ tuân thủ là hàng tuần.

[7] Ở giai đoạn thí điểm, nhóm thực hiện tập huấn cho 4 điều dưỡng trưởng ca trực thực hiện giám sát và đánh giá nguy cơ người bệnh mới theo các biểu mẫu trên. Hoạt động giám sát sự tuân thủ chỉ thực hiện trong giờ hành chính.

[8] Sau khi triển khai 12 tuần lễ, nhóm nhận thấy người bệnh có điểm nguy cơ từ 3 trở lên có nguy cơ loét cao gấp 5 lần so với nhóm còn lại nên quyết định điều chỉnh hướng dẫn thực hiện xoay trở theo tiêu chuẩn mỗi 3 giờ đối với người bệnh có điểm nguy cơ >= 3 và tích cực điều trị sớm các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh ngay.

[9] Mô tả chỉ số sau khi hoàn chỉnh được triển khai nhân rộng cho tất cả các khoa lâm sàng. Tuy nhiên, chỉ người bệnh nặng ở phòng cấp cứu, hồi sức, có rối loạn tri giác mới thực hiện đánh giá nguy cơ loét tì đè. Nhóm cải tiến đề nghị phòng công nghệ thông tin thêm 3 nhóm trường số liệu vào ứng dụng quản lý người bệnh nội trú là: [a] chỉ số nguy cơ lúc vào khoa (5 trường theo 4 nhóm nguy cơ và tổng điểm nguy cơ), [b] thời điểm phát hiện đợt loét, [c] ngày kết thúc đợt loét; nhờ đó có thể giảm công tính toán và theo dõi các chỉ số. Riêng chỉ số tuân thủ hướng dẫn được quản lý và phân tích chung với bộ chỉ số tuân thủ kỹ thuật chăm sóc của điều dưỡng.

V. KẾT LUẬN

Bộ chỉ số chất lượng là một yêu cầu quan trọng trong quản lý bệnh viện hiện nay, nhằm phù hợp với Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam 2.0, là cơ sở để các nhà quản lý bệnh viện ra quyết định dựa trên bằng chứng. Nó cũng là thước đo khách quan về CL dịch vụ dành cho tất cả các bên quan tâm.

Xây dựng CSCL cần phải bám sát các yêu cầu pháp lý, khoa học và thực tiễn, nhằm đảm bảo tính giá trị và khả năng ứng dụng trong quản lý bệnh viện.

Phát triển CSCL là hoạt động mang tính nền tảng, điểm khởi đầu, một nấc thang quan trọng cho những nơi muốn triển khai QLCL đúng nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Avedis Donabedian (2003). Chapter 4: Selecting Approaches to Assessing Performance. In: An introduction of quality assurance in healthcare, pp 46-57. Oxford University Press

[2] Bộ Y tế. Quyết định số 7051/QĐ-BYT ngày 29-11-2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn xây dựng thí điểm một số chỉ số đo lường chất lượng bệnh viện”

[3] David Parmenter (2009). Chương 3-Xây dựng và áp dụng các chỉ số hiệu suất cốt yếu: Mô hình 12 bước. In: Key Performance Indicators (Các chỉ số đo lường hiệu suất). pp: 65-147. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh & Tinh Văn Media.

[4] Institute of Medicine (2001). Chapter 2: Improving the 21st-Centery Health Care System. In: William. C. Richardson. Crossing the Quality Chasm – A New Health System for the 21st Century, pp 39-60. National Academy Press Washington, D.C.

[5] Jan Mainz (2003). Defining and Classifying clinical indicators for quality improvement. International Journal for Quality in Healthcare, Vol. 15(6): 523-530

[6] Lloyd P. Provost; Sandra K. Murray (2011). Chapter 2: Using Data for Improvement. In: The healthcare Data Guide – learning from data for improvement, 1st Edition, pp 25-66. Jossey-Bass

[7] The Joint Commission and the Institute for Healthcare Improvement (2012). Chapter 2: Finding Scientific Evidence to Apply the Clinical Improvement. In: Gregory S. Ogrinc. Fundamentals of Health Care Improvement, 2nd Ed., JCI/IHI, pp 19-28. Department of Publication-Joint Commission Resource.