Nghiên cứu - Phát triển

(Đang cập nhật)

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU - CẢI TIẾN CHẤT LƯỢNG

PHƯƠNG PHÁP CHỈ SỐ TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG

Tác giả: Đỗ Văn Niệm


Chỉ số chất lượng là một phương pháp cơ bản để đo lường CL, dù bệnh viện áp dụng mô hình quản lý hoặc bộ tiêu chuẩn CL nào. Nếu đánh giá CL giúp chúng ta có cái nhìn hệ thống về thực trạng CL bệnh viện dưới góc độ định tính, thì CSCL giúp chúng ta nhìn CL dưới góc độ định lượng. Cả 2 phương pháp trên thường được sử dụng đồng thời và bổ sung cho nhau, từ đó hình thành các phương pháp đo lường CL trong thực hành ở mức độ cao hơn như chứng nhận chất lượng và đối sánh chuẩn. Nhằm đảm bảo tính giá trị và khả năng ứng dụng, CSCL cần phải có liên quan chặc chẽ với yêu cầu CL, tính khoa học và phù hợp nhu cầu của người dùng. CSCL là thước đo khách quan về CL DVYT cho tất cả các bên quan tâm. Vì thế, phát triển CSCL là hoạt động mang tính nền tảng, là điểm khởi đầu, một nấc thang chất lượng quan trọng cho những nơi muốn triển khai QLCL đúng nghĩa. Xem chi tiết

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU TRONG CẢI TIẾN CHẤT LƯỢNG

Tác giả: Đỗ Văn Niệm, Lê Minh Thượng


Cải tiến chất lượng đúng nghĩa xét cho cùng chính là nghiên cứu can thiệp trên một cộng đồng nào đó. Hoạt động này không mấy xa lạ trong nghiên cứu y học, nhưng vẫn còn khá mới mẻ với các bác sỹ và điều dưỡng trong cải tiến thực hành lâm sàng hàng ngày ở Việt Nam. Đối với nhà nghiên cứu, sau khi xác định vấn đề, bước kế tiếp cần chọn một thiết kế phù hợp nhằm đạt mục tiêu và đảm bảo chất lượng kết quả nghiên cứu. Với bài viết này, tác giả mong muốn giới thiệu một hướng nghiên cứu ứng dụng, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hoạt động cải tiến chất lượng lâm sàng tại các bệnh viện. Tiếp cận phương pháp mới đòi hỏi người tham gia cần phải nghiền ngẫm về lý thuyết để nắm vững khái niệm, cùng với rèn luyện kỹ năng thực hành để nó mang lại hiệu quả thực tiễn. Bởi mọi thành quả trên đời này, suy cho cùng luôn bắt nguồn từ sự nỗ lực lao động. Và chân lý luôn là thứ ánh sáng nằm ở cuối đường hầm, nó chỉ có thể được tìm thấy bằng sự nỗ lực, với lòng quyết tâm cao độ và cả sự đam mê. Xem chi tiết

PHÁT TRIỂN THANG ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG & THANG ĐO LƯỜNG

Nói đến chất lượng, cần nghĩ ngay đến đo lường. Vì "nếu chúng ta không thể đo lường được thì không thể cải tiến" (P. Drucker). Sử dụng thang đo chất lượng đã chuẩn hoá là cần thiết để đối sánh chất lượng giữa các cơ sở y tế, nhất là trong đánh giá chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước hay cơ sở chứng nhận chất lượng.

Những thang đo phát triển có "tính ngẫu hứng", chưa được kiểm định có thể là cạm bẫy sai lầm khi sử dụng để đánh giá kết quả của hoạt động cải tiến. Vì vậy, cần sử dụng các thang đo đã kiểm định về tính giá trị và độ tin cậy, nhằm đảm bảo chất lượng của kết quả đo lường.

Tuy nhiên, thang đo chuẩn hoá thường có độ nhạy không tốt khi áp dụng trong những hoạt động cải tiến mang tính đặc thù của tổ chức, do ảnh hưởng của yếu tố bối cảnh. Vì vậy, cần nghiên cứu phát triển và đánh giá chất lượng thang đo, điều chỉnh phù hợp với các yếu tố bối cảnh để sử dụng trong các hoạt động cải tiến nội bộ.

Ở chuyên mục này, chúng tôi giới thiệu những thang đo đã tự nghiên cứu phát triển hoặc phối hợp với một số bệnh viện khác để nghiên cứu, phát triển trong thời gian vừa qua. Bao gồm thang đo chất lượng dịch vụ và thang đánh giá chất lượng sáng kiến, hoạt động cải tiến.

Thang đo ONC được phòng QLCL bệnh viện Nhi đồng 1 nghiên cứu phát triển sơ bộ từ năm 2018, sau đó phối hợp với 5 bệnh viện khác tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai trong nghiên cứu đa trung tâm, gồm: BV. Trưng Vương, BV. Đa khoa khu vực Củ Chi, BV. Quận 11, BV Quận Gò Vấp, BV. Quận 2 và BV Đa khoa Đồng Nai, nhằm kiểm định tính giá trị và độ tin cậy của thang đo thông qua phương pháp phân tích nhân tố khẳng định và mô hình cấu trúc tuyến tính. Xem thang đo sử dụng trong quá trình nghiên cứu ở bên dưới và báo cáo kết quả nghiên cứu (đăng trên tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh) tại đây.

CẢI TIẾN HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO

QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN:

Hoạt động đào tạo cải tiến chất lượng theo phương pháp PDCA đã triển khai tại bệnh viện Nhi đồng 1 từ năm 2012, dựa trên phương pháp đào tạo trực quan MetaPlan theo nhóm nhỏ.

Năm 2017, công trình nghiên cứu "Nhân tố ảnh hưởng hài lòng và khả năng áp dụng trong đào tạo cải tiến chất lượng-an toàn người bệnh" (Y học Thực hành, tập 12 (1065): trang 52-52) đã chỉ ra rằng: không chỉ [1] hài lòng của người học mà [2] các yếu tố động viên người học ở giai đoạn can thiệp có ảnh hưởng lớn đến khả năng áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Từ nghiên cứu này, chương trình đạo tạo được tái cấu trúc theo hướng tích hợp và liên thông từ cơ bản đến nâng cao, kết hợp với triển khai "dịch vụ hỗ trợ" người học ở giai đoạn can thiệp thực địa. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất hội đồng Quản lý chất lượng thông qua chương trình cải tiến hằng năm với sự cam kết của lãnh đạo khoa, phòng.

Chương trình và tài liệu đào tạo theo định hướng nâng cao đã cập nhật và triển khai từ năm 2019. Đầu năm 2021, phòng Quản lý chất lượng bắt đầu triển khai thí điểm hình thức đào tạo tích hợp bài giảng e-learning với đào tạo theo nhóm nhỏ trực tiếp, nhằm mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ đào tạo của người học.

Đây là một xu hướng mở, linh hoạt và tiện lợi cho người học nhưng cũng đòi hỏi các hướng dẫn viên phải được trang bị thêm nhiều kỹ năng, phương pháp dạy học mới. Trang đào tạo này là một trong những sản phẩm của dự án cải tiến hoạt động đào tạo do phòng Quản lý chất lượng triển khai trong 6 tháng đầu năm 2021.

TÀI LIỆU ĐÀO TẠO CẢI TIẾN CHẤT LƯỢNG

Hướng dẫn triển khai và Kỷ yếu công trình nghiên cứu cải tiến chất lượng (NXB Hồng Đức, 2016)

Tài liệu đào tạo (2019):

CẢI TIẾN CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN

THANG ĐÁNH GIÁ ĐỀ ÁN, BÁO CÁO KẾT QUẢ CẢI TIẾN - SÁNG KIẾN

Thang đánh giá chất lượng đề án và báo cáo kết quả hoạt động cải tiến theo phương pháp PDCA được bệnh viện Nhi đồng 1 phát triển sơ bộ và áp dụng nội bộ trong thực hành đánh giá hoạt động cải tiến chất lượng từ năm 2017. Trong đề án triển khai chương trình hỗ trợ kỹ thuật cải tiến tại bệnh viện năm 2020, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện thang đo dựa trên khung lý thuyết 3 yếu tố về sự thay đổi: [1] Điều gì cần thay đổi (WHAT), [2] Bối cảnh thay đổi (CONTEXT) và [3] Thay đổi bằng cách nào (HOW); tham khảo mô hình MUSIQ (Model for Understanging Success in Quality) và thang đánh giá SQUIRE 2.0 để hoàn thiện thiết kế thang đo. Nhóm cũng đã thực hiện một nghiên cứu đánh giá tính giá trị của thang đo dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính. Đồng thời điều chỉnh và mở rộng để đánh giá các hoạt động sáng kiến tại bệnh viện. (Xem báo cáo kết quả nghiên cứu phát triển thang đo trên Tạp chí Nhi khoa, tập 14, số 1 tại đây)

Nhóm nghiên cứu giới thiệu các thang đo này để các cơ sở y tế khác có thể nghiên cứu bổ sung và sử dụng trong hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện. Cấu trúc thang đo này là tương đồng với khung đánh giá hoạt động sáng kiến của Hội đồng xét duyệt sáng kiến cấp Thành phố của TP. Hồ Chí Minh.

Các biểu mẫu đánh giá dựa trên thang đo đã nghiên cứu, phát triển:

  1. Biểu mẫu thẩm định đề án cải tiến theo phương pháp PDCA

  2. Biểu mẫu nghiệm thu báo cáo cải tiến chất lượng theo PDCA

  3. Biểu mẫu nghiệm thu báo cáo sáng kiến

Xem chi tiết tại đây.

CẢI TIẾN BIỂU MẪU ĐIỀU TRỊ, CHĂM SÓC

PHIẾU CHĂM SÓC THEO THANG ĐIỂM ĐỊNH LƯỢNG

Biểu mẫu chăm sóc điều dưỡng đã được điều chỉnh và áp dụng tại bệnh viện từ hơn 10 năm trước, trên cơ sở chuyển đổi hình thức từ biểu mẫu trắng và thông tin được mô tả tự do sang cấu trúc hoá thông tin. Biểu mẫu này giúp giảm thời gian ghi chép của điều dưỡng, nhưng vẫn còn nhược điểm là chưa tích hợp điểm cảnh sớm người bệnh nặng.

Nhóm cải tiến gồm phòng Quản lý chất lượng, khoa Thận-Nội tiết và phòng Điều dưỡng đã nghiên cứu phát triển phiếu chăm sóc theo thang điểm định lượng, tích hợp điểm cảnh báo sớm ở trẻ em và tóm tắt kế hoạch chăm sóc điều dưỡng. Phiên bản 1 dành cho người bệnh nội khoa được thí điểm nằm 2015 và triển khai chính thức từ năm 2016. Các phiên bản dành cho người bệnh ngoại khoa và cấp cứu tiếp tục được hoàn thiện những năm tiếp theo.

Xem chi tiết báo cáo nghiên cứu tại Y học Thành phố Hồ Chí Minh, phụ bản tập 20, số 4.